Ngày thứ 6 phiên xét xử vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2 tại TAND Hà Nội,ậtsưNhàthầuTrungQuốcbấtngờkhivướngvàovụáncaotốcĐàNẵgiờ trùng phút luật sư của 5 nhà thầu lần lượt nêu quan điểm.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam giai đoạn 2, từ TP Tam Kỳ đến TP Quảng Ngãi, dài hơn 72 km được chia làm 5 gói thầu: gói A1 giá trị 47,5 tỷ đồng do liên danh Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CC 1) và Lotte E&C (Hàn Quốc) cùng thực hiện; gói A2 giá trị 129 tỷ đồng do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) thực hiện; gói A3 trị giá 85 tỷ đồng do tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) thực hiện; gói A4 trị giá 127 tỷ đồng do tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) thực hiện và gói A5 trị giá 71 tỷ đồng do Posco E&C (Hàn Quốc) thực hiện.
Trong vụ án, 5 nhà thầu này (được xác định là bị đơn dân sự) bị VKS đề nghị bồi hoàn giá trị 5 gói thầu theo hợp đồng đã ký với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC). 22 bị cáo cũng bị VKS đề nghị bồi thường thiệt hại của vụ án, tổng 460 tỷ đồng.
Năm ngày xét xử vừa qua, hai nhà thầu Trung Quốc là tập đoàn xây dựng tỉnh Sơn Đông và Giang Tô không được tòa chấp nhận tư cách người đại diện do chưa trình được văn bản hợp pháp hóa lãnh sự cho giấy ủy quyền.
Hôm nay, lần đầu trình bày tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, bảo vệ quyền nghĩa lợi cho cả hai nhà thầu dành gần 10 phút để viện dẫn năng lực nhà thầu, cho hay đây là các doanh nghiệp nằm trong "50 nhà thầu lớn nhất toàn cầu".
Tại Việt Nam, ngoài dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tập đoàn Sơn Đông còn là thi công cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy xử lý rác Sóc Sơn (Hà Nội), luật sư Nghĩa nêu.
Với chất lượng thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, luật sư cho biết, hai nhà thầu khẳng định đã thực hiện đúng hợp đồng, với quy chuẩn chủ đầu tư yêu cầu. Đến nay chất lượng công trình vẫn đảm bảo, "các thiếu sót hỏng hóc chỉ mang tính cục bộ, sửa chữa được".
Luật sư cho hay, công trình đã đưa vào sử dụng 4 năm song chủ đầu tư VEC đã không thanh toán theo tiến độ. "Điều này gây rất nhiều khó khăn cho nhà thầu Trung Quốc".
Luật sư: VEC đòi bồi thường là không có căn cứ
Luật sư Nghĩa nói hai thân chủ "phản đối toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ đầu tư VEC" bởi 3 lý do sau:
Thứ nhất, Việt Nam - Trung Quốc đều là thành viên của Công ước New York 1958, trong đó quy định, các quốc gia thành viên công nhận thỏa thuận bằng văn bản, cam kết đưa ra trọng tài xét xử mọi tranh chấp đã và có thể phát sinh giữa các bên, dù là quan hệ hợp đồng hay không. "Tòa án của một quốc gia thành viên khi nhận đơn kiện về một vấn đề mà hai bên đã có thỏa thuận sẽ đưa vấn đề đến trọng tài, trừ khi tòa thấy thỏa thuận trên không có hiệu lực, không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được", luật sư viện dẫn Công ước.
Thứ hai, từ chính hợp đồng giữa hai nhà thầu và chủ đầu tư VEC, bất cứ tranh chấp nào phát sinh từ hợp đồng cũng đều giải quyết cuối cùng bởi trọng tài quốc tế. Do đó, về phần dân sự trong vụ án hình sự cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hai nhà thầu Trung Quốc cho rằng không phải đối tượng bị xem xét trong vụ án.
"Đại diện VEC trong phần xét hỏi hôm 19/10 cũng không trả lời được luật sư rằng "tài sản bị thiệt hại là tài sản của VEC hay không" nhưng lại yêu cầu các nhà thầu bồi thường cho họ là không thỏa đáng. Theo quan điểm của chúng tôi, hai nhà thầu Trung Quốc chỉ là những người có quyền nghĩa vụ liên quan, còn việc xác định có phải bồi thường không và bồi thường bao nhiêu cũng cần xem lại", luật sư nêu quan điểm.
Thứ ba, về tố tụng, luật sư cho rằng quyền tham gia tố tụng của 2 nhà thầu không được bảo đảm. Họ không nhận được bất kỳ văn bản tài liệu quyết định nào từ thông báo tư cách tố tụng, quyết định trưng cầu giám định, kết luận giám định, kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử. "Đơn của chủ đầu tư VEC yêu cầu bồi thường, chúng tôi cũng không nhận được. Chúng tôi bị đòi bồi thường nhưng không được báo việc có người yêu cầu mình bồi thường", luật sư nói.
"Chốt lại, trong vụ án, nếu xác định nếu nhà thầu có lỗi thì không chỉ riêng nhà thầu mà nhiều đơn vị khác, như tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế... nên việc VKS chỉ yêu cầu các nhà thầu bồi thường là không đúng".
Với các phân tích trên, luật sư đề nghị tòa xem xét ba nội dung: Tách yêu cầu bồi thường dân sự của VEC với các nhà thầu để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác, xét xử bởi cơ quan tài phán có thẩm quyền; trả hồ sơ điều tra, xác minh lại thiệt hại và phân định trách nhiệm, nghĩa vụ của tất cả các bên liên quan vụ án; xác định đúng giá trị thiệt hại và phần trách nhiệm của tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế...
Đồng quan điểm, luật sư và đại diện hai nhà thầu Hàn Quốc, Lotte E&C và Posco E&Cphản đối việc VEC yêu cầu các nhà thầu bồi thường với lý do "giám định kết luận không đúng, không chính xác, không đủ sức thuyết phục".
Nhà thầu Việt Nam duy nhất, Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1), không đồng thuận việc VKS yêu cầu các bị cáo bồi thường. CC1 cho rằng nếu có thiệt hại nên để nhà thầu chịu trách nhiệm sẽ hợp lý hơn, do nhà thầu được hưởng lợi nhuận.
Nữ đại diện CC1 nói "vô cùng phản đối" khi một số luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc VEC cho rằng nhà thầu được hưởng lợi nhiều nhất nên các bị cáo thuộc nhà thầu phải chịu án tù cao nhất.
"Có lẽ những ngày qua, mọi người cũng đã nghe đủ rồi, chúng tôi không đổ lỗi cho cá nhân người lao động của VEC, của nhà thầu hay tư vấn giám sát nhưng chúng tôi muốn các vị lưu tâm rằng nhà thầu vô cùng thiệt hại, cả về người và của. Chúng tôi chưa biết bao giờ mới lấy lại được 157 tỷ VEC đang giữ lại". Bà mong HĐXX "nhân văn và công minh" để giảm án cho không chỉ riêng hai bị cáo thuộc gói thầu CC1 phụ trách mà cho tất cả 20 người còn lại.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 6 ngày song chưa thể kết thúc. Ngày mai, toà bước sang ngày làm việc thứ 7, VKS sẽ đối đáp với quan điểm của luật sư, bị cáo và các bên liên quan.
Thanh Lam